Hướng Dẫn Về Bullet Journal – Phần 2

Hướng Dẫn Về Bullet Journal – Phần 2

I. Bullet Journal – Lý Thuyết Cơ Bản Phần 1

Nói đến Bullet Journal là nhắc đến hệ thống ghi chép đơn giản. Và có thể nói, linh hồn của Bullet Journal chính là Phương Pháp Ghi Chép Nhanh (Rapid Logging).

1. Ghi chép nhanh - Rapid Logging

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra lợi ích của việc viết ra giấy so với việc ghi nhớ trong đầu, đặc biệt trong học tập và công việc thường ngày. Tuy nhiên, chúng ta lại thường mắc phải thói quen ghi chú dài dòng và đôi khi không theo thứ tự, dẫn đến kết quả là cách quản lý công việc hay hệ thống kiến thức học tập không hiệu quả như mong đợi.

Ghi chép nhanh chính là chìa khóa cho vấn đề của bạn. Ghi chép nhanh chỉ đơn giản là phương pháp rút gọn những ý chính bằng cách liệt kê. Phương pháp này đòi hỏi bạn phải tư duy chọn lọc với những từ ngữ cô đọng nhất.

Việc ghi chép nhanh có thể giúp bạn tiết kiệm giấy và thời gian rất nhiều nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng nội dung. Và ghi chép nhanh bắt đầu với những Bullet (ở Việt Nam, chúng ta hay thường nói là gạch đầu dòng nhưng bullet không đơn giản chỉ là một thanh ngang “-“).

2. Bullet

Tại sao là Bullet Journal? Nếu cắt nghĩa, bullet là những ký tự dấu chấm, gạch ngang mà chúng ta hay gọi một cách quen thuộc là gạch đầu dòng; còn journal có nghĩa là việc ghi sổ tay. Đến đây, bạn đã dần hiểu bản chất của Bullet Journal rồi nhỉ!

Theo Ryder Carroll, Bullet chính là dạng câu ngắn được rút gọn, với những ký tự đặc biệt ở đầu câu để phân loại thành: Nhiệm vụ/Công việc (Tasks), Sự kiện/Cuộc hẹn (Events) và Ghi chú (Notes). Chúng ta hãy lần lượt tìm hiểu từng loại nhé.

Nhiệm vụ

Nhiệm vụ được đại diện bằng dấu chấm đen đơn giản - “•” ở đầu dòng. Chúng ta dùng dấu chấm thay vì những ô vuông checkbox hay dùng vì chúng tiện lợi, nhanh chóng và dễ dàng chuyển đổi để cho thấy tiến độ của công việc. Nhiệm vụ có 5 trạng thái: hoàn thành, chưa hoàn thành, dời sang ngày hôm sau, dời sang lúc khác (chưa rõ thời điểm) và không liên quan (hoặc không cần thiết phải hoàn thành).

Sự kiện

Sự kiện/Cuộc hẹn được thể hiện bởi dấu chấm tròn như chữ o – “o”. Sự kiện/Cuộc hẹn là những ngày được lên hẹn trước (như Sinh nhật của Ba) hay một cột mốc được ghi lại vào cuối ngày (Ký hợp đồng lớn).

Những sự kiện xảy ra trong ngày thường sẽ gắn liền nhiều với những cảm xúc. Chúng ta thường sẽ viết rất nhiều nếu theo lối viết thông thường, tuy nhiên, với ký hiệu dấu tròn, sự kiện sẽ được ghi lại một cách vắn tắt. Những cảm xúc, suy nghĩ sẽ được ký hiệu riêng trong phần tiếp theo.

Ghi chú

Ghi chú được viết mở đầu bằng gạch đầu dòng “–“. Những ghi chú là nơi chúng ta ghi lại sự kiện, ý tưởng, quan sát và suy nghĩ của mình. Đó sẽ là những thông tin mà bạn không muốn bỏ sót.

Kết hợp chúng lại với nhau

Với 3 ký hiệu trên, chắc hẳn bạn đã có thể ghi lại những suy nghĩ diễn ra trong đầu bạn hàng ngày. Bạn đừng lo lắng khi chúng diễn ra một cách lộn xộn, điều quan trọng trước tiên là những suy nghĩ trong đầu của bạn cuối cùng đã được thể hiện trên trang giấy.

3. Nesting

Nesting là các nhánh con trong ý chính.

Đối với Nesting, bạn có thể sử dụng màu sắc khác để dễ dàng phân biệt giữa các bước và ý chính, chẳng hạn như dùng màu đỏ cho một công việc và màu xanh cho các bước cần làm để hoàn thành công việc đó.

4. Signifiers (Các ký hiệu nhấn mạnh)

Signifiers là những ký hiệu giúp bạn sắp xếp lại và dễ dàng nhận biết thứ tự quan trọng khi lướt qua trang giấy. Những ký hiệu này sẽ nằm bên trái các bullets làm cho chúng nổi bật hơn. Dưới đây là một ý tưởng gợi ý cho bạn, nhưng bạn có thể hoàn toàn có thể sáng tạo ra cho mình những ký hiệu khác.

* = Ưu tiên quan trọng: Dùng để đánh dấu việc quan trọng cần phải thực hiện trước hoặc tập trung nhiều trong ngày.

! = Cảm Hứng trong ngày: Ý tưởng hay trong ngày, câu nói hay hoặc cái nhìn đặc biệt về một vấn đề nào đó trong ngày.

II. Tổng hợp tất cả lại với nhau

Bằng cách tổng hợp tất cả lại với nhau, trang giấy của chúng ta sẽ có một chủ đề rõ ràng và có hệ thống. Hình minh họa bên dưới là Nhật Ký Ngày (Daily Log). Nhật ký Ngày là 1 trong 4 thành phần chính không thể thiếu và tạo cảm hứng cho cộng đồng Bullet Journal ngày nay. 4 thành phần chính đó được gọi là Collections (Trang Tổng Hợp).

III. Tạm kết

Bài viết tương đối dài để amika có thể diễn đạt chi tiết cách phân loại và các chức năng của mỗi ký hiệu cơ bản theo phương pháp Bullet Journal. amika sẽ tiếp tục chia sẻ hướng dẫn về Collections trong bài viết tiếp theo. Với bài viết này, hy vọng bạn đã có thêm phương pháp hữu ích để áp dụng cho sổ tay của mình.

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên

Bình luận